Hàng vạn tài xế lao đao vay tiền chạy taxi mùa covid
Dịch Covid-19 bùng phát kéo theo doanh thu của tài xế công nghệ lao dốc không phanh. Khoản vay ngân hàng từ khi mua xe cũng vì thế mà khó trả.
Anh Nguyễn Thành Long (Đống Đa, Hà Nội) vay tiền ngân hàng mua ô tô chạy Grab phải ký gửi bán xe do không có khách. Ảnh: Tạ Tôn
Khách sụt giảm, hãng công nghệ thờ ơ
Dịch Covid-19 đang phủ lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới tài xế công nghệ cũng không nằm ngoài thực trạng này. “Hôm nay được mấy cuốc, có đủ tiền lời trả lãi ngân hàng không?” là câu hỏi thường trực mà cánh tài xế công nghệ trao đổi với nhau thời gian gần đây.
Cách đây hơn 2 năm, anh Chử Quốc Thành (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đầu tư chiếc Toyota Vios mới gần 700 triệu đồng để chạy Grab, trong đó gần 500 triệu vay ngân hàng, thế chấp bằng chính chiếc xe. Hàng ngày, cứ mỗi sáng, anh Thành lại mở ứng dụng để bắt đầu công việc đưa đón khách. Thế nhưng, nếp công việc này của anh bị xáo trộn một tháng gần đây vì vắng khách. “Từ khi có dịch, khách giảm đến 80%, thu nhập cũng giảm theo. Trước đây, mỗi ngày được gần 2 triệu, cả tháng cũng khoảng 30 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí như chiết khấu cho Grab hơn 28%, cộng thêm xăng xe, ăn uống, số còn lại cũng đủ trả lãi ngân hàng, chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 người. Nhưng gần tháng nay, chạy từ sáng đến chiều được chưa đầy 600.000 đồng, không đủ trả lãi ngân hàng”, anh Thành than thở.
“Không biết đến bao giờ mới trả hết nợ vay mua xe. Áp lực trả lãi ngân hàng mệt mỏi vô cùng, nhưng để nuôi gia đình, ngày nào cũng vẫn phải ra đường kiếm khách từ 6h sáng đến đêm”, Thành chia sẻ.
Trên chuyến xe từ khu vực Ngọc Khánh về quận Hoàn Kiếm, tài xế GrabPlus Ngô Trọng Kha chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng nay mà nguyên buổi sáng chỉ có 1 cuốc xe. Có những ngày chỉ được 2, 3 khách, thu nhập giảm đến 60%.
“Vay ngân hàng mua xe, tháng này gần đến hạn thanh toán mà chưa biết làm cách nào để xoay xở. Nhiều người mua xe, trả góp lãi suất cao, không kham nổi đã phải bán xe, đổi việc khác vì thu nhập không đủ chi phí. Khó khăn là vậy nhưng trong thời điểm này, cánh tài xế chưa nhận được hỗ trợ gì từ Grab. Họ vẫn thu mức chiết khấu trên 28%”, tài xế Kha nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các tài xế ô tô công nghệ dùng ứng dụng khác. Anh Nguyễn Văn Đúc (quê Nam Định) - một tài xế BeCar cho biết mới mua chiếc xe Grand i10 theo hình thức vay trả góp 80%, trả trong 8 năm. Thời gian trước khi có dịch bệnh, thu nhập rất tốt, trung bình khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/ngày, tổng thu nhập từ 19 - 22 triệu đồng/tháng. Hiện tại, con số này giảm chỉ còn khoảng 9 - 11 triệu đồng/tháng.
“Khoản thu nhập này chỉ giúp tôi trang trải được hơn 6 triệu đồng trả góp/tháng cho khoản vay mua xe, cộng chi phí ăn uống, thuê nhà… tiền gửi về cho vợ con gần như không có”, anh Đúc than thở và cho biết, mình vẫn còn may mắn bởi có nhiều anh em khác cũng vay tiền mua xe, tiền trả góp hàng tháng tới 11 - 12 triệu đồng/tháng, khoản vay mua xe thành gánh nặng cho cả gia đình.
Cần chia sẻ từ ngân hàng
Câu chuyện của những tài xế đề cập ở phần trên cũng là thực trạng chung của cộng đồng tài xế công nghệ. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã Vận tải công nghệ Hà Nội cho biết, với trên 20.000 hội viên, đa số phải vay ngân hàng theo hình thức trả góp để mua xe.
“Họ mua một chiếc xe bình quân khoảng 500 triệu đồng, trong đó 70% giá trị xe được thế chấp ngân hàng vay trả góp. Doanh số hàng tháng được khoảng 30 triệu đồng, sau khi trừ chiết khấu cho hãng cung cấp phần mềm, xăng xe, số tiền còn lại khoảng 20 triệu đồng để trả ngân hàng một nửa và nửa còn lại dùng chi tiêu hàng ngày cho gia đình. Đến nay, doanh số chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng nên họ ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trả ngân hàng thì không có tiền duy trì cuộc sống và ngược lại”, ông Tuấn cho biết và đề xuất: “Cần có cơ chế giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng và các hãng công nghệ giảm chiết khấu cho tài xế”.
Không chỉ xe công nghệ, taxi truyền thống cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, lượng khách và doanh thu của các hãng taxi đến nay đã giảm đến 80%, nhiều hãng xe không còn đủ lực để duy trì hoạt động kinh doanh nên đã phải cắt giảm nhân sự, cho lái xe nghỉ việc từ 30 - 40%. “Ngành vận tải là xương sống của nền kinh tế, trong lúc khó khăn, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, miễn giảm thuế, phí… để doanh nghiệp có thêm điều kiện vượt qua khó khăn”, ông Hùng nói.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty CP beGroup - đơn vị sở hữu ứng dụng “be” cho biết, đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo doanh thu cho các tài xế của hãng, trong đó có việc duy trì các chương trình thưởng lái, nhằm đảm bảo doanh thu cho tài xế. Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, ứng dụng gọi xe be vẫn liên tục thực hiện nhiều chương trình thưởng, không thay đổi so với trước mùa dịch. Be tạo điều kiện cho tài xế nâng cao thu nhập thông qua các dịch vụ mới như dịch vụ “thuê theo giờ”, dịch vụ “be đi chợ”. Ngoài ra, be cũng bảo vệ sức khỏe tài xế bằng việc nâng cao tuyên truyền, thực hiện biện pháp chống dịch bằng chiến dịch beClean.
Để tìm hiểu rõ hơn về các chính sách hỗ trợ tài xế vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh, PV đã liên hệ với đại diện Grab và nhiều hãng xe công nghệ, nhưng đến nay vấn chưa nhận được câu trả lời từ các đơn vị này.
Theo Báo Giao Thông
Tin nổi bật
- VinFast chính thức bàn giao mẫu ô tô điện VinFast VF 5 tại Indonesia
22/11/2024 - 20:45:03
- Sau thảm bại của Wuling Mini EV thế hệ trước với VinFast VF3, thế hệ thứ 2 lộ diện liệu có hi vọng?
22/11/2024 - 13:34:06
- Điểm mặt loạt xe đang tặng thuế trước bạ và ưu đãi lớn cho khách hàng
22/11/2024 - 07:19:21
- Lộ diện siêu xe Ferrari F250 hybrid V6 với hơn 1.200 mã lực từ Maranello
15/11/2024 - 23:02:02
- Lộ diện mẫu Jeep Wrangler 392 với động cơ V8 mạnh mẽ, cho công suất 470 mã lực
12/11/2024 - 15:38:15
- VinFast lập kỷ lục: Dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm
12/11/2024 - 09:53:53