Khi số lượng ô tô cá nhân ngày càng nhiều, bãi đỗ xe càng trở nên cấp thiết. Xung đột giữa chủ nhà mặt tiền với cánh tài xế đậu xe đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Chắc hẳn mọi người cũng biết vụ việc đang hot gần đây, một cụ già cầm dao búa đập xe Mercedes vì đã đỗ xe dưới lòng đường trước nhà cụ.
Không biết cảm nghĩ của mọi người như thế nào chứ riêng tôi, tôi cảm thấy rất buồn. Buồn vì chúng ta đều là những người trưởng thành cả rồi, một vấn đề tưởng chừng đơn giản như vậy mà vẫn mãi kéo dài, không tìm được tiếng nói chung.
Theo tôi không gian dưới lòng đường là của chung tất cả mọi người, không ai có quyền chiếm làm của riêng, kể cả chủ nhà mặt tiền hay tài xế đậu xe đều phải có trách nhiệm chia sẻ.
Đoạn video không được đầy đủ, chúng ta chưa rõ bác tài đã nói gì với bà cụ, đã đậu xe trước nhà cụ bao nhiêu lần nhưng rõ ràng để xảy ra hậu quả như bây giờ cả hai bên đều thiệt. Bác tài bị đập xe, gia đình bà cụ ấy chắc chắn cũng phải đền bù nếu không muốn gặp rắc rối về pháp lý.
Chuyện đậu xe tưởng chừng như đơn giản mà chúng ta cứ mãi căng thẳng với nhau |
Luật pháp cho phép đậu xe dưới lòng đường, miễn là đoạn đường đó không có biển cấm. Tuy nhiên, luật pháp cũng không thể bao quát hết tất cả các khía cạnh trong cuộc sống. Khác với các quốc gia khác, chúng ta có nền kinh tế vỉa hè. Câu nói "nhà mặt tiền không lo chết đói" bao nhiêu năm nay vẫn giữ nguyên giá trị. Nhiều người phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sở hữu một căn nhà mặt tiền, tôi nghĩ rằng họ có quyền khai thác lợi nhuận từ vị trí đặc biệt đó. Tuy nhiên vấn đề là hưởng lợi đến đâu, khai thác đến đâu mới là điều cần bàn đến.
Ví dụ như chúng ta có lệ bất thành văn đó là nhà mặt tiền được sử dụng phần vỉa hè trước cửa nhà, không ai tranh giành với họ cả thế nhưng muốn chiếm cả lòng đường thì có phần hơi quá. Như trong đoạn video này, tôi có để ý rằng bác tài đậu xe dưới lòng đường hoàn toàn đúng luật, cách vỉa hè đủ khoảng cách, cũng không chắn giữ lối ra vào của chủ nhà.
Theo tôi, trừ trường hợp nhà chủ có bận kinh doanh buôn bán nên tạo điều kiện giúp họ, còn bình thường thì chủ nhà và tài xế nên nhường nhịn lẫn nhau.
Tham gia mạng xã hội thời gian dài, tôi cũng hiểu nỗi khổ của những hộ kinh doanh. Bữa nào bị chắn lối ra vào là coi như khỏi buôn bán gì luôn. Thế nên tôi rất ngại đậu xe trước cửa hàng của họ mà toàn đánh xe lòng vòng để kiếm chỗ đậu phù hợp. Gặp trường hợp hạn hữu lắm, cần đậu xe gấp thì tôi đều vào cửa hàng họ xin phép đàng hoàng và cố gắng đánh xe đi sớm nhất có thể. Còn khi đậu xe trước nhà ai đó, nếu không gặp được trực tiếp gia chủ tôi cũng để lại số điện thoại liên hệ. Quan trọng là cách mở lời như thế nào thôi, đa phần khi tôi xin phép tử tế thì họ đều vui vẻ cho đậu nhờ. Nếu chủ nhà khó quá thì tôi lại sang nhờ nhà khác, cũng chẳng nên căng thẳng làm gì, chẳng lẽ cả dãy phố không gặp được chủ nhà nào dễ tính.
Đường là của chung nhưng chủ xe cũng nên xem xét lại cách đậu xe của mình |
Thực ra khi xảy ra mâu thuẫn thì chủ xe là người chịu thiệt hại đầu tiên. Ở trường hợp bà cụ đập xe kể trên còn biết ai là thủ phạm chứ bình thường chủ nhà họ bí mật cầm chìa khóa ra vạch trên thân xe thì mình chỉ có nước kêu trời.
Bà cụ kia cũng lớn tuổi rồi, thói quen cũ đã hằn sâu trong nếp suy nghĩ. Bây giờ có giải thích cho cụ chắc cụ cũng không hiểu tại sao lòng đường nhà tôi, tôi lại không có quyền. Nhưng với giới trẻ lại khác, chúng ta phải xây dựng quy tắc ứng xử chung cho những trường hợp như thế này. Luật pháp không quy định thì ta phải tự thống nhất với nhau. Và trên hết, không thể vì chuyện đậu xe mà lớn tiếng, đụng tay chân với nhau được. Tết đến cửa rồi, mỗi người nhường nhau một tí.