Với những mẹo từ Ford Việt Nam, chủ xe Ford Everest có thể tự tin cầm lái, chinh phục những cung đường hiểm trở.
Khi sở hữu những chiếc xe gầm cao có hệ dẫn động 2 cầu (4x4), dù là bán tải hay SUV thì người dùng luôn giữ trong lòng đam mê cháy bỏng dành cho những cung đường gồ ghề, sỏi đá đầy adrenaline. Tuy nhiên với những người ít tiếp xúc với bộ môn thể thao này, cảm giác lo lắng và khó tránh khỏi và vị vậy, Ford Việt Nam đã tổng kết một vài bí quyết giúp chủ xe Ford Everest “san bằng tất cả”.
Biết người biết ta
Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, hãy am hiểu chiếc xe của mình. Đối với phần dưới thân xe, hãy chú ý tới những bộ phận dễ có khả năng bị mắc vào cành cây hoặc sỏi đá khi di chuyển trên cung đường địa hình. Ví dụ như Ford Everest sở hữu những góc tiến và góc thoát là 29,5 ° và 25 ° cùng khoảng sáng gầm 227 mm. Việc nắm rõ và ước lượng được vùng an toàn sẽ giúp người lái điều khiển xe tốt hơn.
Khi lái xe off-road, bạn không tránh khỏi việc gặp phải các cung đường chật hẹp. Trong lúc đó, bạn nên biết kích thước cũng như giới hạn lội nước (800 mm ở tốc độ 7km/h) của xe. Những chi tiết này và các thông tin hữu ích khác như tải trọng của giá nóc và giới hạn chiều cao, đều được liệt kê chi tiết trong hướng dẫn sử dụng xe. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bạn biết giới hạn kéo của chiếc xe để cân đối phù hợp số lượng người và các trang thiết bị mang theo.
Ở bên trong xe, bạn cần nắm rõ vị trí của tất cả các hộc chứa đồ, cách gập hàng ghế trước/sau và đảm bảo luôn điều chỉnh ghế lái phù hợp để có tầm nhìn tốt xung quanh xe khi di chuyển. Đồng thời, hãy làm quen với vị trí xếp đặt các bút bấm điều chỉnh hệ thống kiểm soát địa hình, khóa vi sai cầu điện tử và hệ thống hỗ trợ đổ đèo.
Chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng
Thách thức là một phần không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động lái xe địa hình nào. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu rủi ro trên hành trình bằng cách lên kế hoạch kỹ lưỡng và trang bị những vật dụng cần thiết. Tối thiểu, bạn cần một bình đầy nhiên liệu, một dây kéo, một cái xẻng, ván cứu hộ, một chiếc lốp dự phòng được bơm căng, bộ thay lốp, bộ xả lốp, và một máy nén khí di động, một chiếc bản đồ và la bàn (hoặc thiết bị GPS) và điện thoại di động. Ngoài ra, khi lái off-road, bạn cũng nên di chuyển theo đoàn để có thể nhận được sự hỗ trợ từ các tay lái khác trong một số trường hợp nhất định.
Trang bị vật dụng cần thiết
Sau khi xác định được điểm đến và những người đồng hành, bạn hãy lập danh sách những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Điều này sẽ giúp bạn sắp xếp đồ đạc theo một trật tự nhất định, từ đó có thể tìm kiếm dễ dàng và thuận tiện trong suốt hành trình.
Hãy chắc chắn rằng các vật dụng nặng được sắp xếp ở vị trí thấp càng sâu trong khoang chứa đồ càng tốt để trọng lượng được phân bổ đồng đều trên xe. Trường hợp sử dụng thêm giá đỡ hành lý trên nóc xe, bạn cần nắm rõ giới hạn tải trọng của phần nóc (trừ đi trọng lượng của giá đỡ và mái hiên để xác định phần tải trọng còn lại có thể sử dụng).
Chú ý tới áp suất lốp xe
Giảm áp suất lốp xe là một trong những cách đơn giản nhất để cải thiện khả năng vận hành của phương tiện trên các cung đường địa hình như gia tăng diện tích tiếp xúc giữa lốp xe và mặt đất, tăng cường khả năng bám đường, giảm thiểu độ xóc nảy khi di chuyển trên đường nhiều sỏi đá. Việc giảm áp suất sẽ giúp gia tăng tuổi thọ của lốp và giúp giảm nguy cơ hư hỏng ở lốp và trục bánh xe. Tuy nhiên, bạn chỉ nên giảm áp suất lốp nếu có sẵn dụng cụ để bơm hơi trở lại.
Mức độ áp suất lốp xe cần giảm sẽ thay đổi tùy thuộc vào nơi bạn đang di chuyển. Hãy đảm bảo kiểm tra áp suất lốp tối ưu cho địa hình cụ thể cũng như lốp xe của bạn - lốp có cấu hình thấp sẽ cho phép giảm áp suất ít hơn lốp có cấu hình cao.
Khi lái xe với áp suất lốp đã được giảm, hãy chú ý tránh những khúc cua gấp. Việc bẻ lái gấp khi áp suất lốp thấp có thể làm tăng khả năng bánh trật khỏi vành xe. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý về khối lượng và tốc độ mà xe đang di chuyển. Hãy nhớ, giảm tốc độ khi bạn đang lái xe với áp suất lốp thấp và bơm lốp xe trở lại trước khi quay trở lại đường nhựa. Di chuyển trên đường nhựa thông thường với lốp xe non hơi sẽ làm giảm sự an toàn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của lốp và tăng tiêu hao nhiên liệu.
Ford Everest được trang bị cảnh báo áp suất lốp (TPMS). Để tắt hệ thống này khi lốp xe được giảm áp suất, hãy điều chỉnh TPMS thông qua bộ phận hỗ trợ người lái trên màn hình hiển thị của cụm đồng hồ. Sau khi bơm hơi lại lốp xe, hệ thống sẽ cần được thiết lập lại như ban đầu.
Sử dụng chế độ cầu chậm hoặc chạy số thấp nhất có thể
Sử dụng chế độ cầu chậm khi lái xe địa hình cho phép bạn kiểm soát tốt hơn tốc độ chậm, mang đến sự thích nghi hoàn hảo với địa hình hiểm trở, nhiều đá, có độ bám đường thấp, hoặc khi vượt dốc. Với Ford Everest, chế độ cầu chậm có thể được kích hoạt khi xe đứng yên chỉ với một công tắc và có thể hoạt động song song với hệ thống kiểm soát địa hình (TMS), đem lại sự kiểm soát tối đa khi cần thiết.
Sử dụng hệ thống kiểm soát địa hình
Hệ thống kiểm soát địa hình (TMS) của Ford Everest gồm 4 chế độ lái: Bình thường, Tuyết/Bùn/Cỏ, Cát và Đá, tích hợp hệ thống hỗ trợ đổ đèo. Tùy thuộc vào chế độ lựa chọn, hệ thống kiểm soát địa hình sẽ thay đổi các thuộc tính của xe như bộ truyền động và độ phản hồi ga, và các cài đặt kiểm soát độ bám đường.
Chế độ bình thường: Chế độ này dành cho những cung đường thường và nên được sử dụng trên các mặt đường cứng.
Chế độ Tuyết/Bùn/Cỏ: Nếu bạn đang lái xe trên cỏ, sỏi hoặc tuyết, hãy chọn chế độ này. Hệ thống TMS sẽ điều chỉnh độ phản hồi ga và điều chỉnh cài đặt bộ truyền động để có thể chuyển số chậm hơn, giúp giữ cho số vòng tua của động cơ ở mức thấp, từ đó hạn chế nguy cơ trượt bánh xe trên địa hình trơn trượt.
Cát: Đây là chế độ phù hợp với những địa hình cát mềm hoặc thậm chí là bùn lầy. Ở chế độ này, độ phản hồi ga được tăng lên và bánh xe trượt nhiều hơn để xe có thể duy trì đà di chuyển.
Sỏi: Chế độ này giúp tăng cường hệ thống kiểm soát độ bám đường và làm giảm độ phản hồi ga để ngăn bạn giật ga khi xe bị xóc nảy trên những cung đường địa hình. Từ đó, xe có thể di chuyển chậm rãi và êm ái qua những tảng đá lớn hoặc những địa hình hiểm trở khác. Lưu ý, chế độ cầu chậm phải được kích hoạt trước khi sử dụng chế độ này.
Chế độ cầu chậm: chế độ này có thể kích hoạt cùng với chế độ Bình thường/Sỏi. Khi sử dụng chế độ cầu chậm cùng chế độ địa hình Đá, bộ truyền động sẽ không lên khỏi số một, trừ khi người lái chuyển số bằng tay.
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo: giúp xe giữ một khoảng tốc độ nhất định trên các đoạn dốc đứng thông qua các nút kiểm soát hành trình của xe trên vô lăng. Chế độ này giúp người lái tập trung vào việc đánh lái mà không cần phải chạm vào chân ga. Bên cạnh đó, chế độ này cũng hoạt động ở số lùi.
Thận trọng khi vượt nước
Trước khi băng qua mặt nước, bạn nên tìm hiểu về khả năng lội nước của xe. Ví dụ, với Ford Everest, bạn có thể lội qua vùng nước sâu tới 800mm khi tốc độ xe đạt mức 7 km/h.
Khi đến gần mặt nước, người lái nên chủ động ra khỏi xe để đo độ sâu của vùng nước phía trước bằng một cây gậy hoặc bằng cách đi bộ qua đoạn địa hình này. Trong trường hợp nước sâu hơn giới hạn lội nước của xe hoặc dòng chảy quá xiết, bạn cần phải tìm một con đường khác để di chuyển an toàn. Khi đánh giá độ sâu của nước, bạn cũng nên đề phòng mọi nguy cơ tiềm ẩn dưới nước như đá lớn hoặc hố sâu. Dừng xe để quan sát vùng nước cũng sẽ giúp ngăn chặn sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong các bộ phận của xe khi di chuyển qua dòng nước lạnh.
Nếu vùng nước đủ an toàn, hãy di chuyển qua một cách chậm rãi (tốc độ đi bộ) để hạn chế nước trào qua mui xe. Trong quá trình di chuyển, hãy duy trì một tốc độ ổn định, bởi dừng xe ở vùng nước sâu có thể khiến các bộ phận của xe bị ngập. Sau khi băng qua mặt nước thành công, hãy dừng xe trong khoảng 1-2 phút để nước có thể thoát ra khỏi xe của bạn. Điều này sẽ giúp trục bánh xe không bị ngấm nước và hư hỏng.