Robot giống hệt con người vừa được Nga phóng lên không gian
Nhiệm vụ chính của robot Fyodor là thử nghiệm khả năng phóng của tên lửa mới do Nga phát triển.
Ngày 22/8, tàu vũ trụ Soyuz đầu tiên không có phi hành gia của Nga đã được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Chiếm vị trí của phi hành gia trong chuyến bay này là Skybot F-850, hay còn được người Nga gọi với cái tên Fyodor.
Tàu Soyuz MS-14 được phóng từ tên lửa Soyuz 2.1a, tên lửa chuyên dùng để phóng tàu vận tải Tiến bộ (Progress) của Nga. Có mặt trên chuyến du hành, roboy Fyodor sẽ giúp các nhà khoa học cân nhắc việc sử dụng tên lửa Soyuz 2.1a cho các tàu vũ trụ có phi hành đoàn trong tương lai.
Skybot F-850, hay còn được gọi là Fyodor trong quá trình thử nghiệm ở Trái Đất.
"Soyuz MS-14 đã lên quỹ đạo mà không gặp vấn đề gì. Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ này được đưa lên vũ trụ với tên lửa đẩy 2.1a", ông Rob Navias, đại diện NASA cho biết.
Theo ông Navias, đây là chuyến bay thử nghiệm quan trọng để kiểm tra khả năng của tàu Soyuz cũng như tên lửa đẩy 2.1a, trước khi tiến hành chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn vào tháng 3/2020.
"Tên lửa Soyuz 2.1a, với hệ thống kiểm soát bay điện tử và động cơ mới, sẽ thay thế tên lửa Soyuz FG được dùng để đưa các tàu vũ trụ lên không gian trước đây. Tàu Soyuz mới được cập nhật về chuyển động và hệ thống dẫn hướng, cũng như hệ thống hạ cánh hiện đại hơn", NASA cho biết.
Robot Fyodor sẽ được nghiên cứu kỹ càng để các nhà khoa học tìm hiểu cảm giác của phi hành gia khi được tên lửa Soyuz 2.1a đẩy lên không gian. Các cảm biến gắn trên thân con robot này sẽ ghi nhận thông tin về lực tác động trong các thời điểm cụ thể của chuyến bay.
Robot Fyodor có thể thực hiện nhiều thao tác phức tạp, mô phỏng hành động của con người.
Fyodor là thế hệ mới nhất của dòng robot Nga FEDOR. Với thiết kế giống con người, những robot FEDOR có thể được lập trình để làm nhiều thao tác phức tạp như lái xe giải cứu. Là robot đầu tiên được đưa lên vũ trụ, Fyodor được bổ sung các tính năng như vật liệu chống rung hay các thuật toán mới, hạn chế chuyển động để tránh làm hư hại khi nó ở bên trong trạm vũ trụ quốc tế.
Trên trạm vũ trụ, các robot như Fyodor có thể được sử dụng để làm những nhiệm vụ nguy hiểm như dập lửa hoặc hàn. Tuy nhiên, Fyodor sẽ không được đưa lên để làm các nhiệm vụ đó. Con robot này sẽ được chuyển sang modul Poisk để làm các thí nghiệm về khả năng chịu đựng trong môi trường không trọng lực.
Sau đó, Fyodor sẽ được đưa trở lại tàu vũ trụ Soyuz để quay trở về Trái Đất vào ngày 6/9.
Fyodor không phải robot đầu tiên được đưa lên vũ trụ để thử nghiệm. Robonaut2 do NASA phát triển được đưa lên Trạm Vũ trụ để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản từ năm 2011-2014, sau đó quay trở về Trái Đất năm 2018. Nhật Bản có robot Kirobo với chức năng tâm sự cùng phi hành gia, hay robot Astrobee của NASA có chức năng tìm kiếm đồ vật trên trạm vũ trụ.
Theo Zing
Tin nổi bật
- Vingroup và PV Power sát cánh đưa năng lượng xanh “phủ sóng” Việt Nam
22/11/2024 - 14:05:23
- VinRobotics - Bước tiến tất yếu đưa công nghệ Việt Nam Vươn lên tầm cao mới
20/11/2024 - 14:17:34
- Hợp tác chiến lược giữa VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC: Bước đột phá trong giải pháp năng lượng bền vững tại Việt Nam
19/11/2024 - 11:27:54
- Bình Định chuyển mình xanh: Bắt tay cùng Vingroup, đột phá vì tương lai bền vững
15/11/2024 - 16:59:32
- Bắc Ninh sẽ có thêm 10 điểm sạc tập trung trong năm 2024 từ liên doanh Vasia và V-GREEN
04/11/2024 - 12:06:31
- EverSolar bắt tay V-GREEN: Nâng tầm hệ thống trạm sạc xe điện, phủ xanh giao thông Việt Nam
01/11/2024 - 10:17:48