Sự sụt giảm ở thị trường xe máy Việt cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dịch sang các loại phương tiện thay thế khác như ôtô và xe máy điện.
Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vừa công bố kết quả kinh doanh của 5 thành viên thuộc hiệp hội trong quý 4/2021 và toàn năm 2021. Theo đó, 5 thành viên của VAMM, bao gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha ghi nhận tổng doanh số 2.492.372 xe, giảm 8,12% so với năm 2020.
Như vậy, năm 2021 vừa qua là năm thứ 3 liên tiếp doanh số xe máy tại thị trường Việt Nam sụt giảm và có xu hướng giảm ngày càng mạnh. Cụ thể, 2019 ghi nhận là năm đầu tiên sụt giảm doanh số của VAMM tại Việt Nam với doanh số 3.254.964 xe, giảm 3,87% so với năm 2018. Sang năm 2020, doanh số xe máy của 5 thành viên thuộc VAMM sụt giảm chỉ còn 2.712.615 xe, tương đương mức giảm 16,66%.
Sự sụt giảm mạnh trong năm 2020 được tạo nên chủ yếu từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến việc cách ly xã hội tại nhiều thành phố, đồng thời sức mua sắm, tiêu dùng của người dân trong nước sụt giảm mạnh. Ngoài ra, một yếu tố góp phần cho việc doanh số xe máy Việt Nam sụt giảm chính là việc người tiêu dùng đang có xu hướng dịch chuyển từ sử dụng xe máy sang ôtô.
Trong năm 2021 vừa qua, mặc dù thị trường xe máy tại Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, thế nhưng thống kế của VAMM cho thấy tổng doanh số toàn ngành vẫn tiếp tục sụt giảm so với năm 2020 với 2.492.372 xe được bán ra.
Việc doanh số xe máy tại Việt Nam tiếp tục giảm trong năm 2021 vừa qua càng cho thấy thói quen đi lại của người dùng Việt đang thực sự thay đổi. Không chỉ chuyển hướng sang xe ôtô với giá thành ngày càng rẻ, nhiều người dùng trong nước cũng bắt đầu làm quen với loại phương tiện mới là xe máy điện và xe đạp điện. Điều này khá dễ hiểu bởi với những sống trong nội đô hay các khu vực nhỏ, ít đi lại việc sử dụng xe máy điện làm phương tiện cá nhân sẽ tiện lợi hơn và chi phí bảo dưỡng thấp.