Tính năng tự động lái khiến xe ô tô điện tiêu hao nhiều điện năng hơn
Các trang bị và tính năng như camera giám sát, cảm biến rađa, cảm biến ánh sáng hay điện toán đám mây đều tiêu tốn nhiều điện, ảnh hưởng trực tiếp đến khả quãng đường đi của xe ô tô điện.
Với xu hướng điện hóa nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên xe điện sắp đến, có thể thấy nhiều nhà sản xuất xe ngày càng mang đến nhiều tiến bộ và thành tựu trong việc phát triển xe điện. Đi kèm với thuận lợi luôn là những khó khăn và các nhà sản xuất xe buộc phải vượt qua để có thể tạo nên một chiếc xe điện hoàn hảo.
Ngoài thói quen lái xe, nhiệt độ bên ngoài hay hệ thống điều hòa không khí bên trong xe, cần nhớ rằng vẫn còn các yếu tố khác ảnh hưởng đến thời lượng pin của xe. Cụ thể, xe còn có hàng loạt trang bị cảm biến và điện toán phức tạp để hỗ trợ người lái, điều đáng nói là các trang bị và hệ thống này không chỉ vận hành bằng điện mà còn là rất nhiều điện.
Thời lượng pin, quãng đường xe đi được chịu ảnh hưởng lớn từ hệ thống tự động lái
Trên xe động cơ đốt trong, việc vận hành các hệ thống này sẽ không phải là vấn đề bởi chúng đều lấy năng lượng từ bộ ắc quy được sạc liên tục trong khi xe vận hành. Tuy nhiên điều này hoàn toàn khác ở xe điện, cung cấp năng lượng cho các hệ thống này chính là bộ pin lớn được đặt ở sàn xe. Nói cách khác việc vận hành liên tục các hệ thống và công nghệ hỗ trợ liên quan đến tính năng tự động lái có thể ảnh hưởng lớn đến thời lượng sử dụng pin, hay quãng đường mà xe đi được trong một lần sạc.
Giới phân tích dự đoán rằng đến năm 2023, sẽ có 7% lượng xe có mặt trên thị trường được trang bị sẵn tính năng tự động lái, tương đương với khoảng 1,5 tỷ USD chi phí cho chip xử lý để phục vụ hệ thống này. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 14 tỷ USD vào năm 2030, khi 50% số lượng xe bán ra thị trường có khả năng tự động lái cấp độ 3 hoặc cao hơn.
Tại sự kiện Tesla Autonomy Day diễn ra vào năm 2019, hãng xe Mỹ xác nhận rằng quãng đường vận hành của xe điện có thể giảm đi 25% nếu sử dụng toàn bộ các hệ thống hỗ trợ lái trong khu vực nội đô. Đồng nghĩa rằng các xe có khả năng vận hành 640 km sẽ giảm xuống 480 km, các xe có khả năng vận hành 480 km sẽ bị giảm xuống 360 km trong mỗi lần sạc.
Vận hành các hệ thống điện tử hỗ trợ liên tục sẽ rút ngắn quãng đường vận hành của xe
Cũng vì vậy mà Ford đi theo hướng phát triển Fusion Hybrid thay vì xe điện hoàn toàn để có thể tận dụng tối đa khả năng của hệ thống tự động lái. Đại diện hãng xe Mỹ cho biết Ford "mường tượng về một tương lai với nhiều mẫu xe ô tô điện có khả năng tự động lái, nhưng chúng tôi vẫn cần tìm ra sự cân bằng để có thể tạo nên một mô hình kinh doanh có lợi nhuận và khả thi. Tuy nhiên công nghệ pin hiện nay lại chưa thể đáp ứng được cho mô hình kinh doanh và tối ưu tầm nhìn của hãng. Vì vậy mà hãng sẽ bắt đầu bằng việc tung ra một nền tảng xe hybrid, sau đó mới dần tiến đến nền tảng xe điện hoàn toàn khi điều này trở nên khả thi hơn."
Vào hồi đầu tháng 7, Volvo đã tung ra một mẫu xe ý tưởng mới, cụ thể là xe SUV chạy điện với vai trò là mẫu xe thay thế cho Volvo XC90 trong tương lai. Mẫu xe này gây chú ý với trang bị một máy tính lớn, cấu thành từ ba máy tính nhỏ khác phụ trách xử lý tầm nhìn, trí tuệ nhân tạo, điện toán tổng thể, tính năng giải trí và công nghệ từ NVIDIA.
Mẫu xe SUV điện thay thế XC90 trong tương lai được trang bị hệ thống máy tính tiêu tốn nhiều điện năng
Với hàng loạt các trang bị này, có thể nói chiếc xe SUV chạy điện mới của Volvo sẽ sử dụng rất nhiều chip xử lý, tiêu tốn nhiều năng lượng và sinh ra nhiệt lượng lớn. Tất cả các yếu tố này đều có ảnh hưởng rất lớn đến thời lượng pin hay quãng đường vận hành của xe. Việc vận hành liên tục các hệ thống này buộc người dùng cũng phải liên tục sạc pin cho xe, đồng thời dẫn đến một hệ quả khác là rút ngắn tuổi thọ của pin, vốn được tính theo số lần sạc.
Tuy nhiên nếu vô hiệu hóa các hệ thống hỗ trợ này, độ an toàn của xe khi vận hành sẽ giảm đi đáng kể, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người lái cũng như các phương tiện, người đi bộ hay đi xe đạp xung quanh. Bên cạnh đó, bất kỳ hệ thống điện tử nào cũng cần có hệ thống dự phòng, đồng nghĩa rằng năng lượng sẽ càng bị tiêu tốn để vận hành các hệ thống này.
Tuy nhiên không thể vì thế mà vô hiệu hóa các công nghệ hỗ trợ an toàn của xe để tiết kiệm điện
Tương tự như công nghệ pin, công nghệ tự động lái vẫn còn khá mới mẻ, vì vậy có thể nói các nhà sản xuất vẫn còn thời gian và cơ hội để phát triển và tối ưu hóa công nghệ này. Nhìn lại hơn một thập kỷ qua, công nghệ pin đã có những tiến bộ vượt bậc, cải thiện không chỉ tuổi thọ mà còn về dung lượng của pin, qua đó giúp xe vận hành bền bỉ và xa hơn. Hi vọng rằng các nhà sản xuất sẽ tập trung hơn vào công nghệ tự động lái, đưa ra các giải pháp tối ưu nhằm giúp hệ thống này vận hành an toàn và tiết kiệm năng lượng hơn.
Tin nổi bật
- Vingroup và PV Power sát cánh đưa năng lượng xanh “phủ sóng” Việt Nam
22/11/2024 - 14:05:23
- VinRobotics - Bước tiến tất yếu đưa công nghệ Việt Nam Vươn lên tầm cao mới
20/11/2024 - 14:17:34
- Hợp tác chiến lược giữa VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC: Bước đột phá trong giải pháp năng lượng bền vững tại Việt Nam
19/11/2024 - 11:27:54
- Bình Định chuyển mình xanh: Bắt tay cùng Vingroup, đột phá vì tương lai bền vững
15/11/2024 - 16:59:32
- Bắc Ninh sẽ có thêm 10 điểm sạc tập trung trong năm 2024 từ liên doanh Vasia và V-GREEN
04/11/2024 - 12:06:31
- EverSolar bắt tay V-GREEN: Nâng tầm hệ thống trạm sạc xe điện, phủ xanh giao thông Việt Nam
01/11/2024 - 10:17:48