Có mặt tại thị trường Việt Nam đã 15 năm, thị phần của những chiếc xe ga Vespa chưa bao giờ bứt phá, xe ế tồn kho nhiều vì kén khách và ít đổi mới công nghệ.
“Bình mới rượu cũ”
Vepsa là thương hiệu xe tay ga được biết đến nhiều hơn là Piaggio tại Việt Nam. Thế nhưng, suốt 15 năm qua, Vespa chưa thực sự được coi là đối trọng của các hãng Honda hay Yamaha.
Hiện tại, Vespa bán 3 dòng xe gồm: Sprint (3 phiên bản, giá từ 77,4 đến 94,3 triệu đồng), Primavera (5 phiên bản, giá 75,4 đến 110 triệu đồng) và GTS (4 phiên bản, giá từ 92,6 đến 155,4 triệu đồng).
Theo năm tháng, giá xe ga Vespa ngày càng đắt đỏ và hiện chạm ngưỡng trên 100 triệu đồng với dòng phổ thông như Primavera. Hàng năm, Piaggio Việt Nam đều tung ra các phiên bản “mới” cho Vespa nhưng gần như doanh số ít được cải thiện.
Giới chuyên gia xe máy cho rằng, có hai nguyên nhân khiến xe Vespa khó có thể mở rộng tệp khách hàng cũng như tăng mức độ cạnh tranh. Đầu tiên đó là kiểu bán “bình mới rượu cũ” của xe Vespa gần như đã tạo ra sự nhàm chán với người tiêu dùng.
Điểm sáng công nghệ mà Vespa đem đến cũng đã diễn ra cách đây 6 năm với động cơ i-Get thay thế cho động cơ 4 thì xy-lanh đơn kiểu cũ tốn xăng và kiểu dáng dòng xe Primavera/Sprint thay thế cho LX vào năm 2013. Nhưng đến nay, mỗi năm hãng xe Ý cũng chỉ thay đổi màu sắc, lâu lâu nâng cấp đồ chơi, phụ kiện theo chủ đề là thành phiên bản mới.
Trong khi đó, các đối thủ Honda, Yamaha khá chịu khó làm mới mình trong mảng xe tay ga. Honda liên tục nâng cấp SH, Sh mode, Vision, còn Yamaha với những NVX, Grande,…
Thua thiệt thứ hai là về giá bán khi Vespa ngày càng đắt đỏ. Thời điểm mới ra mắt, Vespa Primavera và Sprint chỉ có giá từ 68,8 triệu đồng thì nay đã giá thấp nhất đã lên tới 75,4 triệu đồng. Thậm chí một số phiên bản được đặt tên mỹ miều, quảng cáo là sản xuất giới hạn, trong khi thực tế không thay đổi công nghệ, lại có giá bán đắt đỏ.
Có thể kể đến một số cái tên như Vespa Primavera Picnic ra mắt tháng 3/2021 có giá lên tới 88 triệu đồng, đắt hơn 11,5 triệu đồng so với bản Primavera thường, sản xuất 300 chiếc, hay Vespa Primavera Sean Wotherspoon ra mắt tháng 7/2020 chỉ có 50 chiếc bán ra tại Việt Nam, giá lên tới 135 triệu đồng.
Những mẫu xe này thực tế phải mất nhiều thời gian mới bán hết và chỉ mang tính chất “làm mầu” cho thương hiệu Vespa, nâng thành đẳng cấp chơi xe. Thế nhưng, thực tế giá trị xe bị mất rất nhanh trên thị trường xe cũ. Điển hình như một chiếc Vespa Primavera Yacht Club ra mắt 2018 giá lên tới 78 triệu đồng thì nay được rao dưới 50 triệu đồng…
Thế khó của Vespa ở thị trường Việt Nam
Dù quá khứ của Vespa gần như được “tô hồng” với sự đam mê của nhiều thế hệ người Việt qua những chiếc xe cổ điển thì ngày nay nó không còn “hào quang” đó nữa.
Về mặt thị trường, xe Vespa, Piaggio lâu nay bị “đóng đinh” định vị ở phân khúc tay ga đắt tiền, bó hẹp đối tượng khách hàng nên dù đã hơn 1 thập niên có mặt tại Việt Nam, thị phần hãng xe Ý vẫn đứng nhóm cuối trong VAMM.
Doanh số bán xe của Piaggio Việt Nam liên tục lao dốc từ 2013, giảm với khoảng 55.000-56.000 xe xuống 44.000 xe năm 2017. Sau năm 2017, lãnh đạo hãng xe này quyết định không công bố lượng tiêu thụ với báo chí nữa, thay vào đó là những câu trả lời mang tính khích lệ, ẩn ý?!
Ưu thế của xe Vespa vẫn được nhìn nhận là thiết kế thời trang kế thừa từ quá khứ, nhưng hiệu năng sử dụng của xe kém lại đang là rào cản lớn nhất để mở rộng khách hàng.
Dù trang bị động cơ thế hệ mới i-Get phun xăng điện tử tiết kiệm nhiên liệu hơn so với dòng LX trước đây nhưng Vespa Primavera vẫn bị chê tốn xăng. Theo công bố từ Cục đăng kiểm vào năm 2019, mẫu xe này có mức tiêu thụ 2,7 lít/100km, và sang năm 2020, mức tiêu thụ giảm còn 2,52 lít/100km. Trong khi đó ở mẫu Honda Sh Mode là 1,9 lit/100km hay Yamaha Grande là 1,69 lít/100km.
Cuối cùng, nhược điểm lớn nhất ở dòng xe Vespa vẫn là chi phí sử dụng và giá trị bán lại thường đối nghịch nhau, chưa hề được cải thiện. Theo anh Đào Quốc Dương (chủ cửa hàng xe máy trên phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội), dòng Primavera/Sprint cá tính nhưng trượt giá nhanh ngay sau năm đầu tiên sử dụng, lên tới 10 -15% giá trị xe, trong khi ở xe Nhật thấp hơn nhiều, thậm chí còn tăng ngược giá như trường hợp Honda SH, AirBlade.
Trong bối cảnh thị trường đang thay đổi chóng mặt, các hãng xe máy truyền thống đua nhau thay đổi công nghệ chiều lòng khách hàng bởi sức ép không nhỏ từ xe điện ngày càng đẹp và tiện ích hơn, thì sự “chậm chân” của Vespa khi đi theo con đường riêng, níu kéo quá khứ và chỉ tập trung vào thời trang, sẽ khó thể bật hẳn lên với một sản phẩm giá “chát”.