Đi xe vào vạch xương cá mức phạt cao nhất lên tới 400 nghìn đồng, thậm chí có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Hiện nay, nhiều tuyến đường được bố trí, điều tiết giao thông bằng vạch kênh hóa dòng xe, hay còn gọi là vạch xương cá. Đây là nhóm vạch kẻ đường được quy định rõ trong Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QC:41/2019 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Có hai nhóm vạch kênh hóa dòng xe (G1.4) gồm dạng gạch chéo (4.1) và dạng chữ V (4.2) dùng để để giới hạn các phần mặt đường, đảm bảo cho xe chạy được an toàn.
Theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QC:41/2019, khi các loại vạch này được sử dụng, phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Việc lưu thông phương tiện vào nhóm vạch kẻ đường này còn có thể bị cảnh sát giao thông xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo đó, hành vi điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền 200-400 nghìn đồng với ô tô và 100-200 nghìn đồng đối với xe máy.
Nếu phạm lỗi này mà gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe, người tham gia giao thông cần chấp hành vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập hoặc có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông.
Vạch kẻ đường có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông theo thứ tự ưu tiên: Hiệu lệnh người điều khiển giao thông - hiệu lệnh đèn tín hiệu - hiệu lệnh biển báo - hiệu lệnh vạch kẻ đường và các dấu hiệu hướng dẫn trên mặt đường.