Đề xuất không cấp biển số xe ô tô đuôi 49, 53
Một số đại biểu đề xuất không phát hành biển số "xấu", đồng thời cần làm rõ biển số đẹp là gì, có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá.
Ngày 11/11, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua hình thức đấu giá.
Theo tổng hợp, có 28 ý kiến của đại biểu nhất trí với những quy định về biển số đấu giá trong dự thảo Nghị quyết. Trong đó, có 10 đại biểu cho rằng cần làm rõ biển đẹp; 4 đề nghị có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách; và 2 ý kiến đề nghị không phát hành các biển số xấu theo quan niệm dân gian có đuôi số 49,53.
Về mức giá khởi điểm, ĐBQH đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như nêu trong báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có ĐB đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng, 50 triệu đồng, 80 triệu đồng và cả 200 triệu đồng với biển số đẹp, bắt buộc phải đưa ra đấu giá.
Một số ý kiến nhất trí như tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng, đề nghị mức giá 40 triệu đối với Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác 10 triệu đồng.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị quy định giá khởi điểm theo 2 nhóm: biển số đẹp được thừa nhận rộng rãi và biển số lựa chọn theo mong muốn; hoặc phân thành nhiều nhóm biển số khác nhau với các mức giá khác nhau. Cũng có đại biểu đề nghị chỉ quy định mức giá tối thiểu và giao cho cấp tỉnh quyết định; quy định mức giá khởi điểm phù hợp với xe có giá trị dưới 2 tỷ và xe trên 2 tỷ đồng.
Về hình thức đấu giá, 32 ý kiến ĐBQH được nêu ra, với nhiều ý kiến nhất trí về quy định hình thức đấu giá trực tuyến và phương thức đấu giá là trả giá lên. Một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức đấu giá trực tiếp đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; bổ sung hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá.
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, 21 ĐBQH đề nghị bổ sung quy định biển số trúng đấu giá là tài sản cá nhân, người trúng đấu giá có quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự. 15 ĐBQH đề nghị quy định theo hướng người được chuyển nhượng, nhận cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe cũng có đầy đủ các quyền như người trúng đấu giá biển số xe.
Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ số lần người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; và thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe giữ lại biển số trúng đấu giá. Đồng thời, Chính phủ cũng phải làm rõ giá chuyển nhượng xe kèm biển trúng đấu giá để xác định thuế khi chuyển nhượng.
Tiền thu được từ đấu giá biển số xe ôtô cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Nghị quyết tỷ lệ phân bổ cho Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương, tỷ lệ gợi ý là 70-30, 60-40, 50-50.
Tin nổi bật
- Đối tượng nghi “ngáo đá” trộm 2 xe ô tô trong cùng một ngày, gây tai nạn tại nạn rồi bỏ chạy
22/11/2024 - 08:03:13
- Từ năm 2026, trẻ em dưới 10 tuổi chỉ được ngồi hàng ghế sau cùng thiết bị an toàn
18/11/2024 - 20:49:19
- Khởi tố 7 đối tượng chạy xe, mang theo dao, gây rối trật tự ở huyện Sóc Sơn
13/11/2024 - 12:04:56
- Hết tiền chơi game, nhóm đối tượng vác giáo "cưỡi" xe đi cướp
12/11/2024 - 23:51:25
- Công an giả định qua mặt CSGT nhưng không thành đành tra tay vào “còng”
22/10/2024 - 19:35:00
- Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe máy quy mô lớn
19/10/2024 - 08:09:59