Ô tô điện Trung Quốc liệu có vượt qua cửa hẹp để tồn tại ở thị trường Việt Nam?
Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc, bước vào thị trường Việt chỉ với mức đầu tư hạn chế, thăm dò, kết quả doanh thu ở mức thấp, không khác gì một “bài toán” chưa có lời giải.
Ô tô điện Trung Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam, với hiện diện của hơn 10 mẫu xe và mức giá từ vài trăm triệu đến gần một tỷ đồng. Càng ngày càng có thêm nhiều hãng Trung Quốc ra nhập thị trường ô tô điện, nhưng con đường để chiếm lĩnh thị trường không hề dễ dàng. Đến nay, chỉ có thương hiệu Wuling với mẫu xe điện Mini EV là đạt được chút thành công ban đầu. Điều này thể hiện rõ ở việc rất ít thấy các mẫu xe điện Trung Quốc khác xuất hiện trên đường phố Việt Nam.
Mẫu Wuling Bingo dù ra biển cá nhân nhưng vẫn là xe của đại lý dành cho khách hàng trải nghiệm.
Thách thức về hạ tầng trạm sạc
Một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của ô tô điện là cơ sở hạ tầng trạm sạc, mà đến nay vẫn chưa được chú trọng đầu tư. Các hãng xe Trung Quốc mặc dù muốn đẩy mạnh doanh số bán hàng nhưng lại không có ý định đầu tư vào hạ tầng trạm sạc. Điều này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn, vì họ chỉ có thể sạc xe tại nhà, tại đại lý bán xe, hoặc tại các trạm sạc của bên thứ ba. Chỉ những khách hàng có không gian đỗ xe rộng rãi mới đủ điều kiện sạc tại nhà, nhưng số lượng này không cao, nhất là ở các đô thị lớn.
Hệ thống trạm sạc của bên thứ ba tại Việt Nam hiện nay vẫn khá hạn chế, trong khi đó chi phí sạc tại đây cũng khá cao, trung bình khoảng 9.000 đồng/kWh điện, gần tương đương với giá xăng dầu, khiến xe điện mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí sử dụng. Đối với những mẫu xe điện nhỏ như Wuling Mini EV, việc thiếu trạm sạc có thể ít bất tiện nhờ khả năng sạc pin qua ổ điện 220V tại nhà. Tuy nhiên, với những mẫu xe điện đắt tiền có dung lượng pin lớn, việc thiếu trạm sạc rõ ràng gây ra nhiều phiền toái nếu sử dụng cho những chuyến đi xa.
Thương hiệu lớn như BYD nhưng vẫn không dám đầu tư phát triển trạm sạc tại Việt Nam.
Nghi nghờ về chất lượng và sự mất giá
Thêm vào đó, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam coi xe ô tô là tài sản có giá trị lớn. Người tiêu dùng yêu cầu cao về độ bền bỉ, tin cậy và khả năng giữ giá của sản phẩm. Sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm Trung Quốc, cùng với những tiền lệ trước đây từ các hãng xe Trung Quốc như Lifan, Chery hay Haima, khiến người Việt Nam không khỏi lo ngại về chất lượng của các mẫu ô tô điện này.
Một vấn đề đáng chú ý là các hãng xe Trung Quốc đang chạy đua giảm giá, chú trọng vào doanh số mà có thể đang ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Một số báo cáo cho rằng các hãng đã giảm bớt số lần thử nghiệm, cũng như sử dụng vật liệu kém chất lượng để cắt giảm chi phí sản xuất. Điều này dẫn tới sự nghi ngờ về độ an toàn và hiệu quả của ô tô điện Trung Quốc.
Lo lắng của khách hàng về dịch vụ hậu mãi
Dịch vụ hậu mãi và sửa chữa cũng là một điểm yếu lớn. Dù có nhiều đại lý bán xe mở ra nhưng số lượng xe bán ra ít, phụ tùng thay thế thiếu thốn đã tạo ra nhiều bất cập trong việc bảo dưỡng và sửa chữa. Điều này càng trở nên khắc nghiệt đối với những gia đình chỉ có một chiếc ô tô sử dụng hàng ngày. Nếu xe gặp vấn đề và phải chờ đợi lâu mới có phụ tùng thay thế, chắc chắn sẽ gây ra nhiều bức xức cho khách hàng.
Một khó khăn nữa khi xe điện không thể sửa chữa bên ngoài như xe xăng, vì liên quan đến phần mềm hệ thống của xe, điều này khiến khách khàng nao núng khi thương hiệu không trụ được ở Việt Nam thì xe khi hỏng chỉ còn cách cân sắt vụn.
Những nỗi lo khác
Thêm vào đó, có những lo ngại về an ninh khi sử dụng ô tô điện Trung Quốc. Một số nước như Mỹ, Anh và Úc đã bày tỏ lo ngại về việc các hãng xe Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng và có khả năng thao túng thông qua các xe kết nối internet và hệ thống định vị.
Tóm lại, mặc dù ô tô điện Trung Quốc có một số lợi thế về giá cả và thiết kế, nhưng vẫn còn quá nhiều thách thức và nghi ngại về chất lượng, dịch vụ hậu mãi, và các vấn đề an ninh thông tin. Điều này khiến quá trình tiếp cận và tạo niềm tin với người tiêu dùng Việt Nam trở nên khó khăn. Hành trình của ô tô điện Trung Quốc tại Việt Nam rõ ràng cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ các nhà sản xuất nếu muốn thực sự mở rộng thị trường và chinh phục người tiêu dùng tại đây.
Tin nổi bật
- Quỹ Hyundai Motor Chung Mong-Koo ký kết trao tặng học bổng cho sinh viên ưu tú Việt Nam
21/12/2024 - 19:34:28
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dừng hoàn toàn dịch vụTaxi bằng xe VinFast VF 8
19/12/2024 - 09:05:33
- Tài xế xe bán tải dùng hung khí chặn đường xe tải tại Bình Phước vẫn đang trong giai đoạn chấp hành án
18/12/2024 - 15:11:13
- Trải nghiệm Ford Ranger và Everest - bứt phá giới hạn, truyền lửa đam mê
14/12/2024 - 18:08:10
- Khách hàng mua ô tô VinFast sẽ được hỗ trợ nhanh nhất những vẫn đề liên quan đến bảo hiểm
13/12/2024 - 11:49:28
- VinDT chính thức ra mắt cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe đầu tiên tại Quảng Ninh
10/12/2024 - 19:40:42